(Dân trí) – Maria Montessori là nữ tiến sĩ Y khoa đầu tiên của Italy. Bà là người có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực giáo dục. Phương pháp giáo dục mang tên bà hiện được sử dụng ở nhiều trường trên toàn cầu.
(Dân trí) – Maria Montessori là nữ tiến sĩ Y khoa đầu tiên của Italy. Bà là người có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực giáo dục. Phương pháp giáo dục mang tên bà hiện được sử dụng ở nhiều trường trên toàn cầu.
Maria Montessori sinh năm 1870, mất năm 1952 là một bác sĩ và nhà giáo dục người Italy nổi tiếng với triết lý giáo dục mang tên bà. Phương pháp giáo dục của bà ngày nay được sử dụng ở nhiều trường công lập và tư thục trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.
Montessori sinh ra trong gia đình khá giả với cha là một quan chức của bộ tài chính, mẹ là chắt của nhà địa chất và cổ sinh vật học người Italy Antonio Stoppani.
Năm 1890, Montessori đăng ký học tại Đại học Rome, Italy và bà học ngành vật lý, toán học và khoa học tự nhiên. Sau đó bà vào khoa Y, với tư cách là một trong những phụ nữ đầu tiên ở Italy theo học ngành này tại Đại học Rome.
Montessori nổi bật trong trường không chỉ vì bà là phụ nữ mà bởi vì bà học rất giỏi. Bà đã giành được một loạt học bổng tại trường đại học và nhờ thế, bà có thể tự trang trải cuộc sống khi đi học đại học.
Thời gian của Maria Montessori ở khoa Y không hề dễ dàng. Bà phải đối mặt với định kiến từ các đồng nghiệp nam của mình nhưng bất chấp khó khăn, bà vẫn học hành rất chăm chỉ. Năm 1896, Maria Montessori trở thành một trong những nữ bác sĩ đầu tiên ở Italy và sự khác biệt này được cả nước Italy biết đến.
Vào tháng 9 cùng năm đó, Maria Montessori được đại diện cho Italy tham dự Đại hội Phụ nữ Quốc tế ở Berlin, Đức và trong bài phát biểu trước đại hội, bà nói rằng phụ nữ nên được hưởng lương bình đẳng với nam giới.
Montessori cũng từng làm trợ lý phẫu thuật tại bệnh viện Santo Spirito ở Rome, Italy. Bà chủ yếu tiếp xúc với người nghèo và đặc biệt là với con cái của họ. Là một bác sĩ, bà nổi tiếng là chăm sóc các bệnh nhân chu đáo.
Năm 1897, bà tình nguyện tham gia một chương trình nghiên cứu tại phòng khám tâm thần của Đại học Rome và chính tại đây, bà đã làm việc cùng với Giuseppe Montesano, người mà sau đó bà gắn bó trong nhiều năm.
Bác sĩ Maria Montessori từng đến thăm các trại trẻ ở Rome dành cho trẻ em mắc chứng rối loạn tâm thần. Bà kể lại rằng, trong một lần đến thăm trại trẻ, người chăm sóc đã nói với bà về việc bọn trẻ đã nhặt những mảnh vụn đồ ăn trên sàn nhà để ăn.
Bà Montessori nhận ra rằng trong một căn phòng trống trải, không có đồ đạc như vậy, trẻ con khao khát được kích thích giác quan và hoạt động.
Bác sĩ Maria Montessori bắt đầu đọc tất cả những gì có thể về chủ đề trẻ em có sự khác biệt trong học tập. Năm 1897, công việc của Montessori với trẻ em tị nạn bắt đầu nổi bật hơn.
Khi phát biểu trước Đại hội Y khoa Quốc gia ở Turin, bà ủng hộ lý thuyết rằng, việc thiếu sự cung cấp đầy đủ cho trẻ em bị rối loạn tâm thần và cảm xúc là nguyên nhân khiến chúng phạm pháp.
Mở rộng vấn đề này, bà đã phát biểu trước Đại hội Sư phạm Quốc gia vào năm sau. Bà khẳng định, sự tiến bộ xã hội và kinh tế bắt nguồn từ các biện pháp giáo dục.
Maria Montessori đề nghị thành lập các viện sư phạm y tế và đào tạo đặc biệt cho giáo viên làm việc với trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Khái niệm cải cách xã hội thông qua giáo dục là một ý tưởng đã phát triển trong suy nghĩ của Montessori trong suốt cuộc đời của bà.
Một thời gian sau đó, bà Montessori được bổ nhiệm làm đồng giám đốc một ngôi trường nhận trẻ em mắc nhiều chứng rối loạn. Đây được coi là một bước ngoặt trong cuộc đời Montessori, đánh dấu sự thay đổi trong danh tính nghề nghiệp của bà từ bác sĩ sang nhà giáo dục.
Những ý tưởng của bà về sự phát triển của trẻ em từng chỉ là lý thuyết nhưng nhờ ngôi trường nhỏ này đã cho phép bà đưa những ý tưởng này vào thực tế.
Montessori đã dành hai năm làm việc tại trường Orthophrenic, thử nghiệm, phân tích, làm việc, dạy và quan sát trẻ em vào ban ngày và viết lách vào ban đêm.
Mối quan hệ của bà với Giuseppe Montesano đã phát triển thành một mối tình và vào năm 1898, Maria sinh một cậu con trai tên là Mario, cậu bé được giao cho một gia đình sống ở vùng nông thôn gần Rome chăm sóc.
Maria thường xuyên đến thăm Mario, nhưng mãi đến sau này khi anh lớn lên, anh mới biết rằng Maria là mẹ của mình. Hai mẹ con gắn bó khăng khít và trong những năm sau đó, anh cùng làm việc với mẹ và tiếp tục công việc của bà sau khi bà qua đời.
Năm 1901, Montessori rời trường Orthophrenic và dành thời gian nghiên cứu về triết học giáo dục và nhân chủng học. Năm 1904, bà đảm nhận vị trí giảng viên tại khoa Sư phạm của Đại học Rome. Bà làm việc ở đây tới năm 1908.
Trong một bài giảng, bà từng nói với các sinh viên của mình: “Đối tượng nghiên cứu của chúng ta là nhân loại, mục đích của tôi là trở thành giáo viên bởi tình yêu của tôi dành cho trẻ em. Chính tình yêu đã biến nghĩa vụ xã hội của nhà giáo dục thành ý thức cao hơn về sứ mệnh”.
Trong thời kỳ này, Rome phát triển nhanh chóng. Một trong những khu vực phát triển như vậy, nằm ở quận San Lorenzo. Tại đây, khi cha mẹ đi làm cả ngày, những đứa trẻ đã phá hoại những tòa nhà mới hoàn thành. Điều này đã thúc đẩy các chủ thầu tiếp cận Maria Montessori nhờ bà cung cấp các cách “cải tạo” trẻ em để chúng không phá hoại các tòa nhà mới.
Montessori đã nắm bắt cơ hội làm việc với những đứa trẻ đặc biệt. Bà mang theo một số tài liệu giáo dục mà bà đã viết và thành lập Casa dei Bambini – “Ngôi nhà cho trẻ em”. Trong khi ít người có kỳ vọng với ngôi trường này, Montessori lại cảm thấy khác. Bà nói: “Tôi có một cảm giác kỳ lạ rằng đây là sự khởi đầu của một công việc mà một ngày nào đó cả thế giới sẽ nói đến”.
Maria Montessori đặt nhiều hoạt động và phương pháp giáo dục khác nhau vào môi trường của bọn trẻ nhưng chỉ giữ lại những hoạt động thu hút chúng. Điều mà Montessori nhận ra là những đứa trẻ được đặt trong một môi trường nơi các hoạt động được thiết kế để hỗ trợ sự phát triển tự nhiên của chúng sẽ có khả năng giáo dục bản thân.
Sau đó, bà gọi đây là “giáo dục tự động”. Năm 1914, bà viết: “Tôi không phát minh ra một phương pháp giáo dục nào, tôi chỉ đơn giản là cho một số trẻ nhỏ cơ hội được sống”.
Những đứa trẻ ở Casa dei Bambini đã tiến bộ phi thường và tới năm 1908, có năm ngôi trường như vậy ở Italy. Tin tức về cách tiếp cận mới của Montessori lan truyền nhanh chóng và du khách đã đến trường để tận mắt chứng kiến cách bà đạt được những kết quả như vậy trong giáo dục.
Trong vòng một năm, khu vực nói tiếng Italy của Thụy Sĩ bắt đầu chuyển đổi các trường mẫu giáo của mình thành Case dei Bambini và sự lan rộng của phương pháp giáo dục mới bắt đầu.
Vào mùa hè năm 1909, Maria Montessori đã tổ chức khóa đào tạo đầu tiên về cách giáo dục của mình cho khoảng 100 sinh viên. Bà xuất bản cuốn sách đầu tiên tại Italy và Hoa Kỳ vào năm 1912 với tên gọi Phương pháp Montessori.
Đây là một trong những cuốn sách bán chạy nhất của Hoa Kỳ thời điểm đó. Sau đó nó đã được dịch sang 20 ngôn ngữ khác nhau và trở thành một cuốn sách có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực giáo dục.
Phương pháp giáo dục Montessori liên quan đến sở thích và hoạt động tự nhiên của trẻ hơn là phương pháp giảng dạy chính thống. Lớp học Montessori chú trọng vào học tập thực hành và phát triển các kỹ năng trong thế giới thực.
Phương pháp này nhấn mạnh đến tính độc lập và coi trẻ em là những người ham học hỏi một cách tự nhiên và có khả năng phát triển trong một môi trường học tập được hỗ trợ đầy đủ và chuẩn bị tốt. Nó không khuyến khích một số thước đo thành tích thông thường, chẳng hạn như điểm số và bài kiểm tra.
Phương pháp Montessori bao gồm lớp học hỗn hợp nhiều lứa tuổi, sự tự do của học sinh, giáo viên được đào tạo đặc biệt và môi trường được chuẩn bị sẵn. Các nghiên cứu khoa học về phương pháp Montessori hầu hết đều cho kết quả tích cực.
Sau đó là một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phương pháp Montessori. Các chương trình đào tạo và trường học Montessori bắt đầu hoạt động trên khắp thế giới và từ đó trở đi, cuộc đời của Montessori được dành để truyền bá phương pháp giáo dục mà bà đã phát triển bằng cách tổ chức các khóa học và thuyết trình ở nhiều quốc gia.
Trước và trong Thế chiến thứ nhất, bà đã ba lần đến Hoa Kỳ, nơi có nhiều sự quan tâm đối với phương pháp giáo dục của bà.
Nhà giáo dục Montessori từng 3 lần được đề cử giải Nobel Hòa bình. Montessori cũng đã được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp, Huân chương Orange Nassau của Hà Lan và nhận bằng Tiến sĩ Danh dự của Đại học Amsterdam, Hà Lan.
Montessori đã trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển và thành lập Viện Giáo dục của UNESCO vào năm 1951. Bà luôn thể hiện sự ủng hộ đối với quyền của trẻ em.
Bà từng nói: “Đừng quên rằng trẻ em và thanh niên chiếm một lượng lớn dân số nhưng họ lại là một nhóm dân số không có quyền hành gì và phải ngồi trên ghế nhà trường, trở thành “nô lệ” bởi trật tự trường học, bởi các quy tắc trí tuệ, mà chúng ta áp đặt lên đó”.
Năm 1951, nhân kỷ niệm ba năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, UNESCO đã tổ chức một lễ kỷ niệm. Montessori được mời phát biểu trong sự kiện và một lần nữa bà nhấn mạnh: “Tuyên bố toàn cầu về nhân quyền dường như chỉ dành riêng cho xã hội của những người trưởng thành”.
Maria Montessori qua đời ở tuổi 82 và để lại một di sản lớn cho những người làm trong lĩnh vực giáo dục. Phương pháp giáo dục mang tên bà dựa trên mô hình phát triển con người.
Phong cách giáo dục này vận hành dựa trên hai niềm tin rằng sự tự xây dựng tâm lý ở trẻ em diễn ra thông qua các tương tác với môi trường và trẻ em (đặc biệt là dưới 6 tuổi) có một lộ trình phát triển tâm lý bẩm sinh.
Dựa trên những quan sát của bản thân, Montessori tin rằng những đứa trẻ được tự do lựa chọn và tự do hành động trong một môi trường hợp lý sẽ hành động một cách tự nhiên để phát triển tối ưu nhất có thể.
Giáo dục Montessori liên quan đến hoạt động tự do trong một “môi trường chuẩn bị sẵn”, nghĩa là môi trường giáo dục phù hợp với những đặc điểm cơ bản của con người, những đặc điểm cụ thể của trẻ ở các độ tuổi khác nhau và cá tính riêng của từng trẻ.
Chức năng của môi trường là giúp đỡ và cho phép đứa trẻ phát triển tính độc lập trong mọi lĩnh vực theo các “chỉ thị” tâm lý bên trong của chúng.
Montessori đã quan sát bốn giai đoạn riêng biệt trong quá trình phát triển của con người, từ sơ sinh đến 6 tuổi, từ 6 đến 12 tuổi, từ 12 đến 18 tuổi và từ 18 đến 24 tuổi.
Bà nhận thấy các đặc điểm, phương thức học tập và nhu cầu phát triển khác nhau trong mỗi giai đoạn và kêu gọi các phương pháp giáo dục cụ thể cho từng thời kỳ.
Trong giai đoạn trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi, Montessori quan sát thấy đứa trẻ trải qua sự phát triển vượt bậc về thể chất và tâm lý. Đứa trẻ được coi là một nhà thám hiểm và trải qua quá trình tự xây dựng tâm lý và xây dựng sự độc lập.
Với trẻ từ khoảng 6 đến 12 tuổi, Montessori đã quan sát những thay đổi về thể chất và tâm lý ở trẻ em và bà đã phát triển môi trường lớp học, bài học và tài liệu để đáp ứng những đặc điểm mới này.
Bà nhận thấy trẻ ở tuổi này có xu hướng làm việc và giao tiếp theo nhóm, cũng như có sức mạnh của lý trí và trí tưởng tượng. Bà tin rằng ở tuổi này, trẻ hình thành tính độc lập về trí tuệ, ý thức đạo đức và tổ chức xã hội.
Montessori mô tả trẻ từ 12 đến 18 tuổi có sự bất ổn tâm lý và những khó khăn trong việc tập trung ở độ tuổi này, cũng như khuynh hướng sáng tạo và sự phát triển của “ý thức về công lý và ý thức về phẩm giá cá nhân”. Montessori tin rằng thanh thiếu niên ở tuổi này muốn xây dựng bản thân trở thành người lớn trong xã hội.
Montessori viết tương đối ít về thanh niên từ 18 tới 24 tuổi. Bà hình dung những người trẻ tuổi được giáo dục bằng phương pháp Montessori khi còn nhỏ đã sẵn sàng nắm bắt đầy đủ việc nghiên cứu văn hóa và khoa học.
Nhà giáo dục Montessori tin rằng sự độc lập về kinh tế là rất quan trọng đối với độ tuổi này và cảm thấy rằng việc giới hạn số năm học đại học là không cần thiết vì một người có thể học trong suốt cuộc đời. Montessori cũng tin rằng giáo dục có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình thế giới.